Tuy nhiên, cũng không ít cá nhân khởi nghiệp đang có sự nóng vội, thậm chí ngộ nhận, ảo tưởng về công việc và sản phẩm của mình.

Là một chương trình truyền hình thực tế về kinh doanh khởi nghiệp được mua bản quyền từ Sony Pictures, Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam – STVN) nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ đang ôm hoài bão làm giàu.

Ðược tài trợ và hậu thuẫn tài chính với số tiền lên đến 100 tỷ đồng từ các tập đoàn và quỹ đầu tư có tên tuổi tại Việt Nam (như: Sunhouse, Sam Holdings, Vinacapital, Cengroup, BSSC…), STVN dự tính sẽ tài trợ thành công cho ít nhất 30 thương vụ, chiếm 40% tổng số doanh nghiệp kêu gọi vốn. Tuy nhiên, thực tế thu về sau những chương trình đã phát sóng, xem ra tham vọng của STVN khó có thể trở thành sự thật.

Có ứng viên kêu gọi số vốn lên tới hàng triệu USD cho một sản phẩm đồ chơi đang khá phổ biến trên thị trường. Thậm chí, có ứng viên gửi đến chương trình một loại nước giải khát làm từ thanh long hỏng, chưa được kiểm định an toàn thực phẩm. Bản thân công ty này đã ngừng hoạt động sáu tháng do doanh thu chỉ đạt 80 triệu đồng.

Những dự án kêu gọi vốn hài hước nêu trên không phải là cá biệt, vì 40 quỹ đầu tư mạo hiểm, 24 cơ sở ươm tạo, 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh tại Việt Nam cho biết vẫn thường xuyên tiếp nhận được những dự án như vậy. Ðó là chưa kể các cuộc thi khởi nghiệp lớn nhỏ được tổ chức trên khắp cả nước.

Con số 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo, nhưng chỉ có 300 sản phẩm khởi nghiệp được kết nối với cộng đồng trong năm 2017 đã phần nào nói lên hiện trạng ấy.

Nhờ nền tảng công nghệ, các hình thức khởi nghiệp ngày càng phong phú và đa dạng như: cung cấp phần mềm quản lý dịch vụ, xây dựng website thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến, mô hình nông sản sạch… Ðáng tiếc là những hiểu lầm về khởi nghiệp cũng theo đó gia tăng đáng kể. Ðiển hình là cách hiểu lệch lạc về xu hướng khởi nghiệp bằng việc cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến. Hiện nay, không ít bạn trẻ Việt Nam đang tự tin kiếm sống bằng cách sản xuất video rồi thu tiền quảng cáo trực tuyến từ một số mạng xã hội như Facebook, Youtube hay Steam.

Từ chính sách lỏng lẻo của các mạng xã hội cùng sự tung hô của một bộ phận khán giả còn hạn chế về thị hiếu mà không ít người bỏ dở sự nghiệp học hành, công việc hằng ngày để… sản xuất những video vô bổ. Ðể rồi khi bị Youtube, Facebook hay Steam cắt quảng cáo hoặc ngưng hợp tác, nhiều “nhà sản xuất” video tự phát than vãn coi hành động này chẳng khác nào cắt đứt… công việc tâm huyết của họ.

Thực tế, mạng xã hội chưa bao giờ là một môi trường kinh doanh ổn định và bền vững. Thời điểm hiện tại, ít ai còn nhớ những hiện tượng một thời từng làm mưa làm gió trên Youtube hay Facebook như Lâm Việt Anh, Huyme hay Hữu Công. Các hiện tượng từ kinh doanh quảng cáo trực tuyến tự phát chuyển đổi sang mô hình chuyên nghiệp hóa, có sự đầu tư và trau chuốt cho các sản phẩm truyền thông như Orion Media hay FapTV vẫn còn tương đối hiếm.

Trên thế giới, “ông vua không ngai” của Youtube trong giai đoạn 2009 – 2011 là R.Higa (R.Hi-ga) đã tụt xuống vị trí 2.005 trên bảng xếp hạng người xem. Và thu nhập từ sản xuất video của R.Higa cũng sụt giảm nghiêm trọng, chỉ tương đương mức sống trung bình của một công dân Mỹ. Ðó là chưa kể vô số nhà sản xuất video độc lập khác đã đánh mất hạnh phúc gia đình, khánh kiệt tài sản, mắc các chứng bệnh thần kinh như trầm cảm vì lượng người xem sụt giảm.

Trào lưu khởi nghiệp bằng cách trở thành “cổ đông”, “nhà sáng lập” các “dự án khởi nghiệp”, nổi bật là dự án ICO (phát hành tiền ảo) qua hình thức góp vốn cũng ngày một phổ biến. Ðược quảng cáo lợi nhuận từ dự án lên đến 80% năm, nhiều người không ngần ngại bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư vào các đồng tiền kỹ thuật số, các dự án đầu tư mạo hiểm không được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ, không cần biết là đang tham gia vào các dự án “ma” dựa theo mô hình đa cấp Ponzi, tương tự hình thức “gian hàng ảo”, “sàn vàng ảo” trước đây…

Từ thực tế việc khởi nghiệp những năm gần đây, có thể xem “ảo tưởng” là căn bệnh mà không ít bạn trẻ ôm mộng làm giàu tại Việt Nam đang mắc phải. Không thể phủ nhận thời gian qua, tinh thần khởi nghiệp đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực cũng như hiệu quả thiết thực cho một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Theo khảo sát, nghiên cứu của Tập đoàn Amway phối hợp Trường đại học Technische Universitat Munchen (TUM), công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung (GfK) đối với 50.861 người tại 45 quốc gia trên thế giới, thì có 91% số người Việt Nam được hỏi cho biết việc bắt đầu một công việc kinh doanh mới như một cơ hội nghề nghiệp là đáng ao ước. Cũng theo nghiên cứu này, 95% số người Việt Nam được hỏi có thái độ tích cực với tinh thần khởi nghiệp, cao hơn mức trung bình của thế giới là 77%. Ước mơ và thái độ tích cực với tinh thần khởi nghiệp là rất đáng trân trọng, khuyến khích. Nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu cho rằng, có thể hình thành “tư duy triệu phú” từ những cuốn sách dạy kỹ năng làm giàu của một số diễn giả nổi tiếng vốn đang khiến một số bạn trẻ chủ quan tin là chỉ cần thấm nhuần các bài học đó là có thể thành công trên thương trường. Họ không chú ý rằng, phần lớn các tác giả viết sách self-help (tự lực) đều không phải là những doanh nhân thành đạt thật sự.

Cùng làn sóng sách self-help, một đội ngũ doanh nhân – diễn giả cũng bắt đầu hình thành tại Việt Nam. Công việc chính của những người này là truyền đạt nghệ thuật sống, nhất là kinh nghiệm làm giàu của bản thân. Nhiều diễn giả tự nhận là doanh nhân thành đạt, chiến tích vang dội trên thương trường, song kỳ lạ là thông tin về họ trên các phương tiện đại chúng và internet lại rất mơ hồ, chung chung. Thậm chí có người từng bị báo chí tố cáo, lên án vì các hành vi lừa đảo đa cấp, quảng cáo sai sự thật. Thế nhưng, thay vì bỏ công sức vào việc nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm hay mô hình kinh doanh cho mình, “mộng làm giàu” vẫn khiến cho không ít thanh niên trẻ đổ xô vào các lớp học kiểu này.

Kể từ lúc làn sóng khởi nghiệp lan rộng tại Việt Nam, cảnh báo về sự hoang tưởng khi khởi nghiệp cũng liên tục xuất hiện. Bởi lẽ, các tập đoàn lớn chỉ sẵn sàng chi đầu tư số tiền lớn nếu nhìn thấy tiềm năng của dự án khởi nghiệp. Thời gian qua, tin tức nổi bật trong cộng đồng khởi nghiệp có lẽ là việc Vinacapital sẵn sàng đầu tư một triệu USD cho dự án Gcalls của Phạm Tuấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng. Thế nhưng, thương hiệu Gcalls cũng như tên tuổi của Tuấn Phúc và Xuân Bằng lại không hề xa lạ trong giới kinh doanh khởi nghiệp. Trước khi được Vinacapital đầu tư, Gcalls từng nhận được nhiều khoản đầu tư của các công ty truyền thông, quỹ khởi nghiệp tại khu vực châu Á. Ở Việt Nam, các thương vụ đầu tư, mua lại startup với giá trị lên đến triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài đã không phải chuyện hiếm.

Thương vụ nổi bật trong năm 2017 là việc Airview Investment đã mua lại 82% cổ phần của startup Foody trị giá 64 triệu USD. Ðiều này khiến nhiều tập đoàn lớn trong nước không còn thờ ơ với lĩnh vực này như thời gian trước. Thậm chí, nếu có ý tưởng kinh doanh tốt, các tập đoàn danh tiếng còn chủ động gõ cửa, thương thảo với các công ty khởi nghiệp non trẻ.

Thay vì quan tâm đến kêu gọi vốn, than vãn về khó khăn của bản thân hay “làm màu” bằng các chiêu trò quảng cáo thương hiệu phù phiếm và tốn kém, có lẽ các startup nên tập trung khắc phục những hạn chế trong việc kinh doanh của mình. Nhiều năm qua, những yếu kém của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam như: làm theo phong trào, sao chép ý tưởng, sản phẩm, thiếu thực tế, chiến lược kinh doanh, kiểm toán yếu, lãng phí,… vẫn chậm được khắc phục.

Sai lầm từ các thương vụ khởi nghiệp từng kêu gọi được hàng triệu USD như dự án The Kafe của Ðào Chi Anh có vẻ không mấy giá trị với nhiều doanh nhân trẻ. Ðến với những cuộc thi như STVN, Techfest hay Startup Journey, nhiều doanh nghiệp mới chỉ thể hiện được khát khao làm giàu. Cá biệt, có thương vụ đã thất bại đến 6 lần nhưng vẫn tiếp tục kêu gọi vốn từ “các nhà đầu tư thiên thần”. Tuy nhiên, những kiến thức sơ đẳng cần có trong kinh doanh lại bị không ít cá nhân, tổ chức khởi nghiệp bỏ qua một cách khó hiểu. Có doanh nghiệp thành lập hằng năm trời nhưng vẫn mơ hồ về cổ phần, doanh thu và lợi nhuận hằng tháng. Hay việc không quan tâm đến các vấn đề sở hữu trí tuệ, kiểm định chất lượng đối với các sản phẩm kinh doanh của mình dẫn đến một số sản phẩm khởi nghiệp tuy có tiềm năng thành công nhưng nhà đầu tư quyết định không mạo hiểm hợp tác vì nghi ngờ khả năng quản trị, kinh doanh của công ty khởi nghiệp. Nghi ngờ nêu trên là hoàn toàn có cơ sở khi theo nhiều số liệu thống kê, thì có đến 80% số doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam… không trụ nổi quá một năm trên thương trường.

Đam mê kinh doanh, nhất là làm giàu trong các lĩnh vực mới là một hướng phát triển tích cực, cần phát huy tại Việt Nam. Tuy nhiên, đam mê làm giàu phải được nuôi dưỡng từ nỗ lực nghiên cứu và sáng tạo, từ mồ hôi công sức lao động, từ những bài học kinh nghiệm,… chứ không phải là những giấc mơ hoang tưởng, phù phiếm.