Start-up Việt đều gặp khó khăn về vốn

Ý tưởng thành lập VITY hình thành như thế nào thưa anh? 

CEO Trần Trung Hiếu: Việc hình thành VITY không phải xuất phát từ một ý tưởng ngẫu nhiên nó đến như một lẽ tự nhiên. Chúng tôi bắt đầu từ công việc kinh doanh thương mại các sản phẩm nhà thông minh từ năm 2012 bằng việc nhập khẩu và phân phối các dòng sản phẩm có xuất xứ từ châu Âu. Trong quá trình kinh doanh kể trên, chúng tôi luôn có ý thức phải tự chủ sản xuất những thiết bị nhà thông minh phù hợp với thị trường Việt Nam.

Năm 2019 chính là thời điểm thiên thời – địa lợi – nhân hòa để VITY được thành lập. Đó là khi xu thế sử dụng các thiết bị thông minh tiện dụng nở rộ trong mỗi gia đình. Cùng với đó là sự xuất hiện của những thiết bị công nghệ mới tiện dụng cho người dùng. Và may mắn VITY có bên mình đội ngũ R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) đang rất “sung sức” khi vừa mới hoàn thành dự án cho một tập đoàn công nghệ lớn. VITY làm chủ hoàn toàn về thiết kế và công nghệ trên những sản phẩm của mình. Chúng tôi tự hào được sản xuất tại Việt Nam những sản phẩm có chất lượng hàng đầu mang theo tình yêu và niềm kiêu hãnh.

 Anh có thể chia sẻ giá trị mà VITY mang lại cho khách hàng và triết lý kinh doanh của anh cũng như của đội ngũ nhân viên VITY?

CEO Trần Trung Hiếu: :Ngày nay, trong sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, VITY đặt ra cho mình sứ mệnh “Đưa công nghệ kết nối thông minh vào mỗi vật dụng trong gia đình” cùng với triết lý “Sự khác biệt nằm ở bí quyết công nghệ”. Chúng tôi tin rằng đỉnh cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là mọi người tiêu dùng đều có thể dễ dàng mua được những sản phẩm mang đặc trưng cá nhân của riêng họ. Mỗi người chúng ta đều có thói quen và sở thích cá nhân khác nhau. Tôi rất mong chờ một ngày nào đó ai cũng có thể tự đặt hàng cho mình những sản phẩm theo gu của họ và ai cũng có thể được tận hưởng những không gian theo cảm xúc của họ.

Thị trường Smart home Việt Nam hiện phải đối mặt với thách thứ như thế nào?

CEO Trần Trung Hiếu: Khó khăn lớn nhất mà các start-up kinh doanh Smart home tại Việt Nam đang gặp phải là việc tiếp cận các nguồn vốn dành cho khởi nghiệp công nghệ từ các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, chúng tôi đang khắc phục bằng cách tiếp cận và giới thiệu dự án của mình tới một số Nhà đầu tư thiên thần.

Khó khăn tiếp theo, đó là thị trường Nhà thông minh đang phát triển trong giai đoạn “hỗn loạn”. Nếu tra trên thanh tìm kiếm Google bạn sẽ thấy có tới gần 600 triệu kết quả dành cho từ khóa “nhà thông minh”, hàng nghìn loại thiết bị với mẫu mã khác nhau, trong đó có nhiều loại không rõ nhãn hiệu và xuất xứ. Nó là hệ quả tất yếu của một thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhưng chưa có những tiêu chuẩn thống nhất chung, các công ty đang cạnh tranh nhau bằng cách giữ riêng mình trong những hệ sinh thái hẹp. Làm thế nào để người dùng biết đến sản phẩm của chúng tôi?

Tiếp cận với thị trường lớn và có thể nói là mới tại Việt Nam cùng với những đối thủ mạnh VITY đã có những bước chuẩn bị như thế nào? Lợi thế gì giúp VITY cạnh tranh tốt trên thị trường là gì?

CEO Trần Trung Hiếu: Tại Việt Nam đã có một số đối thủ mạnh có thương hiệu, nhưng VITY cũng không chậm chân trong lĩnh vực này. Như bạn biết đấy, đây là thị trường mới và tiềm năng phát triển rất cao. Chúng tôi tự tin về đội ngũ R&D nhiều kinh nghiệm của mình có thể  áp dụng những công nghệ mới tiện ích cho trên các sản phẩm để phục vụ tối đa nhu cầu của mỗi người dùng. Đối với một công ty công nghệ, đó là vũ khí lợi hại nhất rồi. Đồng thời, các sản phẩm VITY thiết kế để hướng đến người dùng cuối, làm sao để người dùng có thể dễ dàng tự mình lắp đặt và cài đặt theo đúng nhu cầu của họ. Đó là cách tiếp cận để đáp ứng được với thị trường trong và ngoài nước.

Smart home sẽ dành cho mọi người Việt

Chi phí để lắp đặt một smart home hiện nay có quá cao so với thu nhập của người Việt Nam? 

CEO Trần Trung Hiếu: Đúng là chi phí lắp đặt một hệ thống smart home đầy đủ hiện nay là cao so với thu nhập bình quân của người Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đã biết tùy biến theo nhu cầu khách hàng. Như tôi quan sát thì có thể phân loại các hệ thống trên thị trường thành 3 phân khúc. Phân khúc giá cao là những hệ thống phải lắp đặt đồng bộ và cần có chuyên gia kỹ thuật được đào tạo về sản phẩm theo sát mỗi dự án, mức giá cao là do các hệ thống kiểu này phải được lắp đặt đồng bộ ngay từ đầu kèm với những chi phí dịch vụ kỹ thuật. Phân khúc trung cấp là các sản phẩm đồng bộ nhưng không cần phải có chuyên gia kỹ thuật lắp đặt; đây là những hệ thống có tính linh động, dễ lắp đặt cài đặt và mở rộng nên người dùng có thể đầu tư lắp đặt theo nhiều giai đoạn theo nhu cầu. Phân khúc thấp cấp là các sản phẩm không đồng bộ, người dùng rất dễ dàng mua được các sản phẩm này nhưng việc sử dụng sẽ có những khó khăn, hạn chế do phải sử dụng nhiều loại sản phẩm với những công nghệ khác nhau trong nhà.

Hiện giờ, VITY  đang tập trung vào phân khúc trung cấp và cao cấp. Rất khó để sản xuất được một sản phẩm có hàm lượng công nghệ nhiều, hoạt động bền bỉ, sử dụng vật liệu tốt mà giá rẻ. Việc của chúng tôi là cố gắng tiết giảm những chi phí trung gian và hoàn thiện chuỗi cung ứng trong tương lai để giảm giá thành sản xuất. Và tới năm 2021 VITY sẽ phát triển phân khúc sản phẩm tiết giảm một số tính năng nhưng có mức giá phù hợp với người tiêu dùng.

Anh đánh giá thế nào về thị trường nhà thông minh trong năm tới? Thị trường tăng trưởng mạnh cũng là thời điểm nhiều đối thủ gia nhập ngành. Một số ông lớn ở Việt Nam cũng nhăm nhe nhảy vào làm smart home. Điều đó có phải điều đáng lo ngại đối với những hệ sinh thái khởi nghiệp cùng lĩnh vực?

CEO Trần Trung Hiếu: Thị trường nhà thông minh trong năm tới và cả những năm sau đó nữa sẽ có nhiều sự đột phá bởi những nhà đầu tư bất động sản đều có xu hướng sử dụng hệ thống smart home trong các sản phẩm của họ. Nó là xu hướng mới trong thiết kế, xây dựng và sử dụng nhà ở. Chúng tôi cũng xác định có “những ông lớn công nghệ” đã và đang nhanh chóng tham gia vào thị trường này. Trước hết tôi mừng vì điều đó, nó chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường mà chúng tôi đang theo đuổi. Chúng tôi có lẽ cũng sẽ được hưởng lợi một phần nhờ hiệu ứng truyền thông từ họ, một thị trường mới cần sự truyền thông liên tục từ các công ty sản xuất. Nhưng những start-up mới cũng không thể thụ động đón chờ những điều tích cực có thể xảy ra, mà phải xác định những lợi thế của mình cũng như những “sức ép” từ các ông lớn công nghệ.

Hướng phát triển và tham vọng của VITY trong tương lai là gì, thưa anh?

CEO Trần Trung Hiếu: Trong 3 năm tới VITY sẽ tập trung phát triển dòng sản phẩm dành cho Nhà thông minh và An ninh thông minh, sau đó sẽ hướng đến dòng sản phẩm Gia dụng kết nối. Chúng tôi có tham vọng sau 3 năm sẽ lọt vào top 5 thị phần nhà sản xuất thiết bị Nhà thông minh trong nước.

Thế hệ người trẻ Việt đang khao khát thành công hơn bao giờ hết và kéo theo đó là rất nhiều những ý tưởng khởi nghiệp trong kinh doanh ra đời. Là người đã tạo dựng được cho mình những thành tựu nhất định, anh sẽ nói gì với họ để họ có cái nhìn thực tế về kinh doanh?

CEO Trần Trung Hiếu: Có khao khát thành công mãnh liệt là các bạn đã có nguồn động lực rất lớn để thành công. Sẽ có những ngành nghề mất đi và có nhiều ngành nghề mới được sinh ra. Cái các bạn cần là luôn giữ được cho mình khát khao đó, tìm đúng đam mê và nỗ lực. Cùng với đó, sự khéo léo và thêm chút may mắn sẽ là gia vị cho thành công của bạn.