Cũng như hầu hết doanh nghiệp trên thế giới, startup đang mắc kẹt trong thời kỳ khó khăn do dịch bệnh ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh và làm cạn kiệt tài nguyên. Doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi doanh nghiệp lớn bắt đầu sa thải nhân sự.

Theo ông Rajan Anandan, Giám đốc quản lý tại hãng đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital Ấn Độ, ai đang muốn khởi nghiệp cần phải hiểu dịch bệnh sẽ thay đổi hành vi người dùng trong tương lai như thế nào để điều chỉnh.

Trong quý đầu năm nay, khi các ca nhiễm bệnh tăng mạnh, hoạt động huy động vốn diễn ra theo chiều ngược lại. Dữ liệu từ CB Insights và Crunchbase chỉ ra thời gian tồi tệ hơn còn ở phía trước. Hiện tại, hơn 5 triệu người trên thế giới bị nhiễm bệnh. Đại dịch đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái khi hầu khắp chính phủ đóng cửa để kiềm chế virus.

Dưới đây là những lời khuyên của ông Rajan Anandan, người giám sát chương trình Surge, cung cấp vốn tối đa 2 triệu USD cho những startup được lựa chọn tại Đông Nam Á và Ấn Độ cùng một số chuyên gia khác trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm.

Bảo đảm không cạn tiền

Đối với các nhà sáng lập startup, ưu tiên ngay lúc này là bảo đảm có thời gian sống sót trước khi hết tiền (runway). Một khi đã xác định được runway, tập trung tư duy lại về việc kinh doanh. Nếu nằm trong lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu sắc, họ nên cân nhắc chuyển sang phân khúc hoàn toàn mới. Ông Anandan giải thích startup cũng cần thay đổi cách bán hàng, cách chi tiền tiếp thị và nơi nào tìm khách hàng mới.

“Cố gắng tìm hiểu hành vi mua sắm và tiêu dùng thay đổi như thế nào do dịch bệnh và sắp xếp chiến lược theo kịch bản mới. Nếu có runway, đây là lúc để xây dựng, tách biệt bản thân khỏi đối thủ”.

“Chốt deal” nhanh chóng

Hemanth Mohapatra, đối tác của hãng đầu tư mạo hiểm Lightspeed Ấn Độ, khuyên các startup đang huy động vốn cần “chốt deal” nhanh nhất có thể. Startup không nên chờ đợi các điều khoản tốt nhất có thể, không đi loanh quanh khảo sát và kết thúc nhanh chóng. Trong tình hình hiện nay, định giá startup có thể xuống nhưng thị trường sẽ bật trở lại nhanh hơn dự kiến.

Tìm cơ hội khi hành vi thay đổi

Dù dịch bệnh “hạ gục” một số lĩnh vực như du lịch, hàng không, các hoạt động khác như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, làm việc từ xa, học trực tuyến, công nghệ y tế lại được hưởng lợi.

Vinod Nair, nhà đầu tư thiên thần vào các startup sơ khai, cho biết khủng hoảng đang diễn ra dẫn đến hai loại thay đổi trong hành vi: đầu tiên, chuyển dịch trong thói quen tiêu thụ, dự kiến kéo dài trong 2 năm; tiếp theo, thay đổi mang tính cấu trúc, chẳng hạn nhiều người có thể làm việc tại nhà hơn sau khi dịch kết thúc. Ông tin rằng những thay đổi này được tăng tốc nhanh chóng nhờ dịch bệnh. Chẳng hạn, việc sử dụng các chợ điện tử, công cụ thanh toán số, dịch vụ y tế điện tử – từ tập luyện qua mạng, tư vấn bác sỹ qua Internet – sẽ tăng.

Tìm kiếm xu thế

Theo ông Anandan, cùng với hành vi người dùng thay đổi, dịch bệnh đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số. Tại Ấn Độ, có thể thấy rõ điều đó trong các lĩnh vực như công nghệ giáo dục, y tế số. “Số lượng người học trực tuyến đã tăng gấp đôi trong 2 tháng qua. Y tế từ xa, vốn gần như không tồn tại ở Ấn Độ vài tháng trước, đang tăng theo cấp số nhân”.

Ông Mohapatra chỉ ra một điểm tích cực trong môi trường kinh doanh thách thức hiện nay. “Trải qua nhiều khủng hoảng, cuối những năm 1990 hay năm 2008, chúng tôi thấy rằng các danh nghiệp tốt nhất và nhà sáng lập giỏi nhất đều ra đời từ những khủng hoảng này. Chúng tôi nghĩ thiên tai tạo ra sáng tạo”.