Single Blog Title

This is a single blog caption
31 Th7

10 Điều Về Bằng Sáng Chế Cần Biết Khi Khởi Nghiệp

 

Một ý tưởng lóe lên, bất cứ ai cũng muốn lao vào làm việc để biến nó thành hiện thực. Sau đó sẽ là phát triển ý tưởng, tìm đồng đội, kêu gọi vốn,…
Một ý tưởng lóe lên, bất cứ ai cũng muốn lao vào làm việc để biến nó thành hiện thực. Sau đó sẽ là phát triển ý tưởng, tìm đồng đội, kêu gọi vốn,… Hầu như một startup non trẻ nào cũng đã bắt đầu bằng những quá trình như thế. Thế nhưng có một điều mà họ cần quan tâm nhiều hơn, thứ có thể làm sụp đổ cả một startup khổng lồ trong nháy mắt: bằng sáng chế.

Trong một thế giới mà sự cạnh tranh diễn ra ngày một khốc liệt như hiện nay, việc hiểu rõ về bằng sáng chế và các đặc tính của nó sẽ giúp bạn và startup của mình “sống” khỏe hơn và tốt hơn. Xã hội hiện đại không hề hiếm các cuộc kiện tụng liên quan tới bản quyền và bằng sáng chế, và một phần trong số đó là sự vùi dập không thương tiếc của các ông lớn đối với các đối thủ còn non nớt của họ. Vậy nên nếu bạn muốn làm startup, hãy đọc kỹ 10 điều sau để hiểu hơn về bằng sáng chế:

Lưu ý, những lời khuyên này có ý nghĩa với việc xin bằng sáng chế tại nhiều quốc gia trên thế giới chứ không chỉ là tại Việt Nam.

1. Định nghĩa về bằng sáng chế

Hiện nay có rất nhiều định nghĩa khác nhau về bằng sáng chế, vậy nên chúng ta có thể tham khảo nguồn trung gian tại Investopedia – một trang web chuyên về đầu tư giáo dục như sau: “Bằng sáng chế là giấy phép của chính phủ cung cấp cho một đơn vị, một cá nhân nào đó để sở hữu một quy trình, thiết kế hay một phát minh mới trong một khoảng thời gian nhất định”. Bằng cách sở hữu loại giấy phép này, đơn vị hoặc cá nhân kia có thể bảo vệ sản phẩm của họ khỏi sự xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Hiểu một cách đơn giản, nếu bạn không đăng kí bằng sáng chế, sản phẩm của bạn có thể bị người ta sao chép, nhái lại và sản xuất hàng loạt mà bạn chẳng thể làm gì họ trước pháp luật cả. Đấy là chưa kể họ có thể đăng kí bằng sáng chế cho chính sản phẩm đó sau khi sao chép.

2. Bạn không thể sở hữu một “ý tưởng”

Tùy theo từng quốc gia, các yêu cầu về việc sở hữu một bằng sáng chế sẽ khác nhau. Thế nhưng có một điểm chung ở đây là bạn sẽ không thể đăng kí bằng sáng chế cho một thứ mơ hồ như một suy nghĩ hay một ý tưởng. Để được cấp bằng sáng chế, có những yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng trong việc phát triển ý tưởng của bạn.

Theo một bài viết gần đây trên Entrepreneurship Life, một khái niệm hay một kế hoạch mơ hồ không có “sự hiện thực hóa” sẽ không thể được bảo vệ bởi các cơ quan cấp quyền sở hữu trí tuệ.

Do đó, nếu muốn đăng kí bằng sáng chế cho ý tưởng của mình, bạn sẽ cần phải tạo ra một bản thiết kế hoặc hữu hình hóa ý tưởng đó. Một bản vẽ chi tiết, mô tả ý tưởng hay thậm chí là một sản phẩm mẫu sẽ có ích rất nhiều trong việc đăng kí một bằng sáng chế cho ý tưởng của bạn.

3. Bằng sáng chế không có giá trị xuyên quốc gia

Có rất nhiều cơ quan cung cấp bằng sáng chế khác nhau, do đó bằng sáng chế được cung cấp ở khu vực nào thì chỉ có giá trị ở khu vực đó. Ví dụ như ở Mỹ thì cơ quan này là Văn phòng bằng sáng chế và thương mại, trong khi đó ở Anh thì nó lại là Cục sở hữu trí tuệ.

Thông qua một tổ chức gọi là Patent Cooperation Treaty, tam dịch là Hiệp ước hợp tác sáng chế, người ta có thể nộp đơn xét bằng sáng chế cho khoảng 145 quốc gia hiện đang tham gia nó. Mặc dù vậy, bạn vẫn sẽ phải tốn thêm chi phí và hoàn tất các thủ tục riêng để được cấp bằng sáng chế tại mỗi khu vực.

4. Có rất nhiều loại bằng sáng chế

Khi nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế, bạn nên xem kỹ mục loại bằng sáng chế mà bạn đang xin cấp phép. Tùy theo loại mà người ta sẽ xét xem bạn có thể sở hữu bằng sáng chế đó hay không.

Ở Mỹ, có 3 loại bằng sáng chế bao gồm: bằng sáng chế tiện ích, bằng sáng chế thiết kế và bằng sáng chế cây trồng.

Ở Trung Quốc, có 2 loại bằng sáng chế là bằng sáng chế phát minh và bằng sáng chế mô hình tiện ích.

5. Người nộp đơn đầu tiên thường là người chiến thắng

Kể từ khi nước Mỹ thông qua luật phát minh, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều cấp bằng sáng chế cho người đầu tiên đăng kí nó. Điều đó có nghĩa là khi có nhiều người cùng nộp đơn xin cho cùng một phát minh, người đầu tiên thường là người dành phần thắng.

Do đó nếu sản phẩm của bạn thực sự tuyệt vời, hãy nhanh chóng sở hữu bằng sáng chế cho nó trước khi nó bị người khác “cướp” mất.

6. Bằng sáng chế có thể mất nhiều thời gian để cấp

Có một điều mà bạn nên biết là việc xin cấp bằng sáng chế không dành cho người thiếu sự chuẩn bị và thiếu kiên nhẫn. Việc xin cấp một bằng sáng chế có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Ở Mỹ, thời gian trung bình để một bằng sáng chế được cấp rơi vào khoảng từ … 32 tháng đến 3 năm.

7. Hãy cố gắng tránh các bằng sáng chế đã có

Rất nhiều người gặp tính trạng đăng kí vào một bằng sáng chế đã có sẵn. Do đó hãy chịu khó nghiên cứu kỹ trước khi quyết định đăng kí bằng sáng chế mới. Đối với những dự án có quy mô lớn (toàn cầu chẳng hạn), hãy lường trước việc ở các nước phát triển thì bằng sáng chế của bạn đã được đăng kí từ lâu. Nó sẽ giúp bạn tránh được các cuộc tranh chấp pháp lý không đáng có khi mở rộng thị trường.

Theo thống kê của Văn phòng bằng sáng chế Mỹ, họ đã cấp phép cho hơn 8 triệu bằng sáng chế kể từ khi tổ chức này ra đời.

8. Cân nhắc lợi ích kinh tế

Việc xin cấp bằng sáng chế không đơn giản là chuẩn bị các giấy tờ, nộp lên và chờ đợi. Để có được nó, bạn sẽ mất kha khá tiền vào việc thuê luật sư, chuẩn bị tài liệu, xây dựng nguyên mẫu sản phẩm,… Con số này có thể giao động từ vài trăm cho đến cả vài ngàn USD, tùy theo quy mô bằng sáng chế bạn muốn đăng kí.

Vậy nên hãy cân nhắc xem bằng sáng chế bạn sắp đăng kí có thực sự đem lại giá trị đủ để bạn bỏ tiền vì nó hay không.

9. Luật sáng chế thường xuyên thay đổi

Không có gì là bất biến, cả luật pháp cũng vậy. Bạn nên chuẩn bị tinh thần cho việc các đạo luật liên quan đến bằng sáng chế thay đổi ở nhiều nước trên thế giới một cách thường xuyên.

Một khi đã sở hữu bằng sáng chế hoặc muốn đăng kí một bằng sáng chế mới, bạn nên liên tục cập nhật thông tin tại các quốc gia mà bạn đăng kí nó. Ví dụ như ở Mỹ, Đạo luật Cải tiến đang được được đề xuất để thay đổi nhiều thứ trong luật pháp nước này.

10. Hãy cảnh giác mới những kẻ trục lợi

Sẽ chẳng ai biết đến bạn nếu bạn chỉ là một doanh nghiệp nhỏ bé, nhưng một khi lớn mạnh, sẽ luôn có những kẻ phá đám công việc làm ăn của bạn. Có rất nhiều cá nhân, tổ chức chăm chỉ đăng kí các bằng sáng chế mới với mục đích… chờ thời. Một khi sản phẩm của bạn “vướng” vào tơ nhện do họ giăng ra, bạn sẽ nhanh chóng nhận được giấy mời của tòa án. Do đó hãy luôn cảnh giác và tỉnh táo với những trường hợp như thế.

Apple có lẽ là cái tên thấm thía nhất việc này khi họ từng bị tranh chấp cái tên iPad với một công ty trên bờ vực phá sản là Proview Electronics ở Trung Quốc. Viện cớ cái tên iPad đã được mình đăng ký từ lâu tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, Proview Electronics đòi Apple tận… 1 tỷ USD để dàn xếp câu chuyện. Rất may là Apple sau đó đã đạt được thỏa thuận với công ty này, nhưng vẫn mất oan 60 triệu USD để giành lại cái tên iPad.

Để lại phản hồi

Powered by themekiller.com anime4online.com animextoon.com apk4phone.com tengag.com moviekillers.com