Single Blog Title

This is a single blog caption
12 Th8

Kinh Doanh Online Là Gì?

Kinh doanh online là gì và khác với truyền thống ra sao? Nó chỉ là trào lưu hay là xu hướng tất yếu?

Trước khi tìm hiểu, chúng ta cùng quay lại cách đây hơn một thập kỷ. Vào năm 2007, người giàu nhất thế giới Bill Gates đã có câu nói nổi tiếng: “Nếu doanh nghiệp của bạn không có mặt trên internet, coi như bạn không còn kinh doanh nữa“.

Đây thực ra là một cách nói khác của việc bắt buộc phải triển khai kinh doanh online. Vậy kinh doanh online là gì, tại sao nó lại quan trọng đến vậy, các bước triển khai như thế nào…
Kinh doanh online là gì?
Ngày nay, bạn sẽ dễ dàng nghe được những câu chuyện đại loại như:

Cô A chỉ bán hàng qua mạng Facebook mà kiếm tiền tỷ
Ông B than cửa hàng mặt phố ngày cành ế khách, sắp phải đóng cửa
Anh C kêu trời vì đối thủ mọc lên như nấm với hàng giống hệt nhưng giá chỉ bằng một nửa
Và rất nhiều tình huống khác nữa. Nhưng tất cả đều có một điểm chung: chịu ảnh hưởng từ sự thay đổi thói quen của khách hàng gây nên bởi internet.

Khách hàng thay đổi ra sao?
Khi internet trở nên phổ biến, việc tiếp cận thông tin trở nên vô cùng dễ dàng. Nội dung lại hấp dẫn, đa dạng và có sự liên kết với nhau đến vô tận.

Nó khiến con người có xu hướng mong muốn dành nhiều thời gian lướt web, giải trí, kết nối người thân bạn bè…

Hệ quả là muốn giảm thời gian cho tất cả các việc còn lại như mua sắm, giải quyết vấn đề, công việc…

Các thượng đế (khách hàng) thời đại ngày nay sẽ:

Tìm hiểu thông tin sản phẩm, doanh nghiệp, nhãn hiệu qua internet trước khi đặt mua sản phẩm hay dịch vụ
Có thể yêu cầu (qua online) hàng loạt nhà cung cấp gửi báo giá để so sánh
Nếu mặt hàng không quá quan trọng (hoặc giá không quá cao), họ sẵn sàng đặt mua online và chấp nhận rủi ro
Từ đó chúng ta thấy ngay các hậu quả gần như là tất yếu:

Việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng ngày càng giảm mạnh
Mô hình cạnh tranh bị biến đổi sang hình thái mới: Không phải là shop mặt phố, mà là tần suất và cách xuất hiện nội dung trên máy tính, điện thoại của khách hàng như thế nào
Ví dụ thực tế
Bây giờ là quá muộn để nói về các ví dụ điển hình trên thế giới như:

Amazon, Alibaba đã thay đổi cả thế giới cách mua sắm
Các hãng taxi công nghệ đang làm mưa làm gió, các hãng taxi truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề
Hầu như mọi lĩnh vực đều có công ty rất lớn hoạt động chủ yếu online: đặt tour du lịch, vé máy bay, học trực tuyến…
Bạn cũng có thể dễ dàng tự kiểm chứng.

Hãy gõ tên loại sản phẩm hay dịch vụ bạn đang cung cấp trên trang tìm kiếm Google, hẳn sẽ ra rất nhiều kết quả. Đó đều là đối thủ trực tiếp hay gián tiếp của bạn.

Định nghĩa kinh doanh online là gì?
Để cho hình dung một cách đơn giản nhất “Kinh doanh online là việc ứng dụng internet trong việc phát triển kinh doanh thông qua tìm kiếm khách hàng tiềm năng hoặc (và) bán hàng”.

Như vậy nó phải có 3 yếu tố đồng thời:

– Sử dụng internet
– Tham gia vào quá trình marketing, sales
– Góp phần phát triển doanh thu

Tất nhiên Bạn phải đang có sản phẩm hay dịch vụ để bán.

Xu hướng này có bền không?
Không còn là xu hướng, nó là tất yếu.

Chỉ cần nhìn nhận theo quan điểm người dùng (khách hàng), họ có quá nhiều lợi ích:

Người dùng có thể tra cứu nhanh chóng thông tin bất cứ sản phẩm nào, ưu điểm khuyết điểm.
Thông qua mạng xã hội hay các trang review, họ cũng “ngay lập tức” nhận được các ý kiến đánh giá từ những người đã sử dụng sản phẩm hay dịch vụ để tham khảo.
Internet cũng giúp họ so sánh giá dễ dàng hơn bao giờ hết.
Kết quả là: Thông qua internet, họ sẽ tìm được sản phẩm phù hợp nhất với giá tốt nhất, trước khi quyết định mua thực sự. Không phải đi đến từng cửa hàng để xem tận mắt sản phẩm và khảo sát giá như thời trước.

Khách hàng giờ đây thực sự có quyền lực gần như tuyệt đối với quá nhiều lựa chọn.

Điều đó cũng có nghĩa không có gì đảm bảo để họ mua hàng (hay tiếp tục mua) từ Bạn.

Như vậy, không còn cách nào khác, bạn phải là một trong các lựa chọn của khách hàng, thông qua kinh doanh online, để không bị loại khỏi cuộc chơi.

Đọc đến đây, nếu là chủ cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, hẳn Bạn sẽ muốn biết kinh doanh online khác kinh doanh truyền thống thế nào, các bước triển khai ra sao.

Chúng ta tiếp tục từ sự khác nhau của mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh online tiêu biểu (đại diện tổng quan).

Mô hình kinh doanh truyền thống
Nguyên liệu thô (1) được đưa vào các nhà máy (2), thông qua kênh phân phối (3) để đến các tổng đại lý (4). Hàng sẽ tiếp tục đến các đại lý bán lẻ (5) để phục vụ người dùng (6).

Để triển khai công việc kinh doanh truyền thống điển hình là bán lẻ này thì cần các yếu tố sau: Các thành phần của kinh doanh truyền thống:

– Mặt bằng & cửa hàng có địa chỉ cụ thể
– Thiết kế nhận diện thương hiệu cho nội ngoại thất cửa hàng
– Trang thiết bị phục vụ bán hàng
– Nhân sự triển khai kinh doanh (nhân viên bán hàng, quản lý, nhân viên trông xe…)
– Hàng hoá
– Khách hàng tìm kiếm và chọn sản phẩm vào giỏ hàng
– Khách hàng tiến hành thanh toán
– Shop xác nhận đơn hàng & xác nhận thanh toán
– Shop gói và ship hàng cho khách
Xét về bản chất, các thành phần của kinh doanh truyền thống vẫn giữ nguyên, nó chỉ khác về hình thức & cách vận hành.

5 thành phần dịch chuyển tương ứng như sau từ offline sang online:

Mặt bằng (địa chỉ) tương ứng với tên miền
Thiết kế nhận diện -> website
Trang thiết bị -> chức năng bán hàng của webstie
Nhân sự -> nhân sự (tập trung nhiều hơn về marketing, tư vấn, hỗ trợ)
Hàng hoá -> hàng hoá (điều đặc biệt là bạn có thể đưa số lượng hàng hoá KHÔNG HẠN CHẾ lên website, điều không làm được ở cửa hàng thực)
Và dưới đây là mô hình các thành phần mới.

Các thành phần của kinh doanh online
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn 5 thành phần này.

Tên miền
Tên miền có dạng www.tenmien.com, là duy nhất, giống địa chỉ cụ thể của một địa điểm nào đó trên bản đồ nhằm mục đích phân biệt các website với nhau.
Xét về địa lý, tên miền có 2 loại là tên miền quốc tế (có đuôi .com, .net, .org…) và tên miền Việt Nam (có đuôi là .vn, .com.vn, .edu.vn…)
Xét về mục đích sử dụng, tên miền chia thành tên miền thương hiệu và tên miền từ khoá. Ví dụ:
nextsmarter.com là một tên miền thương hiệu, đó là tên một cá thể, tổ chức, công ty…
giaiphaptiepthilienket.com là một tên miền từ khoá (với ví dụ này là “giải pháp tiếp thị liên kết“, thường là các từ khoá tìm kiếm.
Website
Để có một trang web (website), chúng ta cần có các tệp mã nguồn web và hosting – là nơi lưu trữ các tệp mã nguồn đó (có chức năng giống như ổ cứng lưu trữ, nhưng phải luôn sẵn sàng để có thể truy cập bất kỳ lúc nào).

Về hosting:

Phổ biến nhất là shared hosting (hosting chia sẻ, nhiều tài khoản khách hàng dùng chung 1 máy chủ web)
Cao cấp hơn, bạn có thể sử dụng VPS (máy chủ riêng ảo), hoặc máy chủ riêng thực (dedicated server)
Về mã nguồn website:

Tại Next Smarter, chúng tôi chỉ tập trung chuyên sâu vào 2 giải pháp website bán hàng để phục vụ khách hàng được tốt nhất: WordPress + Woocommerce và Shopify.

Thiết kế giao diện của website (bao gồm logo, màu sắc, font chữ, hình ảnh) sẽ phải phù hợp với nhận diện thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp.

Chức năng bán hàng website
Nếu như tại cửa hàng, nhân viên trực tiếp lấy đồ cần thanh toán từ khách rồi quét mã vạch, nhận tiền, trả lại tiền thừa (nếu có) thì ở website, mọi việc chỉ do khách hàng thực hiện:

Khách hàng chọn sản phẩm
Cho vào giỏ hàng
Tính tiền ship hàng
Điền thông tin thanh toán, địa chỉ nhận hàng
Thanh toán (nếu chọn thực hiện thanh toán online)
Hoàn tất đơn hàng
Sau đó đơn hàng được tập hợp và báo cáo lại cho người phụ trách để thực hiện giao hàng.

Như vậy chức năng thanh toán của website cần đảm bảo:

Có chức năng giỏ hàng, khách hàng tự do thêm bớt sản phẩm
Tính toán được tổng chi phí, cả phí ship hàng
Lựa chọn phương thức thanh toán, giao hàng

Nhân sự
So với kinh doanh truyền thống, nếu chỉ xét riêng góc độ bán hàng mà không tính đến marketing, thì công sức giảm đi đáng kể vì hầu hết việc bán hàng được xử lý tự động. Nhân viên chỉ việc chuẩn bị hàng & giao hàng khi có đơn.

Các hoạt động marketing thì cũng dịch chuyển từ offline lên online. Thay vì tổ chức các event offline tại cửa hàng, cần tiến hành các hoạt động marketing online: tiếp thị trên Facebook, Google, diễn đàn…

Hàng hoá
Thay vì bày hàng hoá lên kệ thì đưa thông tin sản phẩm lên website.

Điều tuyệt vời của website là bạn có thể đưa số lượng sản phẩm không hạn chế, trong khi nó sẽ bị giới hạn không gian ở cửa hàng.

Có sự khác biệt lớn là: bạn cần cung cấp thông tin sản phẩm lên website càng chi tiết càng tốt kèm hình ảnh đẹp (trong khi bán offline là chỉ cần bày lên kệ).

Đến đây hẳn bạn đã có cái nhìn rõ về một hệ thống business online tổng quan.

Tên miền thường là cố định với doanh nghiệp. Các yếu tố còn lại sẽ làm nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp: Nhân sự, hệ thống công cụ (bao gồm cả website bán hàng) & sản phẩm. Tất cả các chiến lược, tối ưu…đều xoay quanh 3 yếu tố này mà thôi. Để có lợi thế trong cạnh tranh, bạn cần có:

Nhân sự với tư duy marketing tổng thể bài bản & sáng tạo
Hệ thống công cụ hỗ trợ mạnh
Sản phẩm linh hoạt, đa dạng. Không giới hạn sản phẩm, tìm cách đa dạng hoá sản phẩm để khai thác tối đa giá trị vòng đời khách hàng (Customer Lifecycle Value – CLV).
7 hiểu lầm phổ biến về kinh doanh online

Dù muốn hay không, Bạn vẫn phải thừa nhận kinh doanh online không còn là việc nên làm, là xu hướng nữa. Nó là tất yếu và thực sự có ý nghĩa sống còn với công việc kinh doanh.

Dưới đây là 7 sai lầm phổ biến nhất, đã khiến rất nhiều người còn chần chừ chưa triển khai kinh doanh online.

– Cực khó, chỉ dành cho dân công nghệ thông tin
– Chi phí đắt đỏ, tên miền hosting toàn tính tiền đô
– Chỉ có sản phẩm nhất định mới phù hợp
– Offline đang tốt, không cần kinh doanh online
– Kinh doanh online nghĩa là…bán hàng trên Facebook và họ phát ngán với các hình ảnh bạn bè đăng bán sản phẩm hàng ngày
– Người người bàn tán về kinh doanh online, kiếm tiền online….kiểu như bán hàng đa cấp, lừa đảo
– Chỉ phù hợp nghề tay trái, các bà mẹ bỉm sữa tranh thủ kiếm thêm thu nhập

Các bước triển khai

Bước 1: Đăng ký tên miền, hosting
Chọn tên miền tương ứng hoặc phù hợp với tên doanh nghiệp
Nếu mục tiêu là thị trường Việt Nam thì nên đăng ký tên miền Việt Nam: Có các nhà cung cấp như PAVietnam, Mắt Bão, iNET…
Đăng ký tên miền quốc tế, ưu tiên đuôi .com, .net. (các công ty công nghệ mới hay chọn tên miền .io)
Tham khảo hướng dẫn tự mua tên miền tại đây.
Dịch vụ hosting: Tham khảo hướng dẫn đăng ký mua hosting.

Bước 2: Thiết kế
Thiết kế logo, bộ nhận diện thương hiệu
Thiết kế và phát triển website
Tích hợp chức năng bán hàng, quản lý đơn, khách hàng
LƯU Ý: Với các ngành nghề có độ cạnh tranh càng cao, thì càng cần phải có một giải pháp website bán hàng thông minh.

Bước 3: Đăng sản phẩm
Chụp ảnh toàn bộ sản phẩm dự kiến bán online
Thu thập thông tin chi tiết về sản phẩm như nhà sản xuất, thương hiệu, chức năng, chất liệu, kích thước, khối lượng…
Đăng tải thông tin từng sản phẩm lền website
Bước 4: Hoàn thiện quy trình bán hàng
Bố trí hệ thống vận hành: ai xử lý đơn hàng, ai tư vấn khách khi gọi điện tư vấn (hoặc chat), quy trình xử lý đơn hàng
Chọn đơn vị vận chuyển & thanh toán (nếu COD)
Quản lý thông tin khách hàng & chăm sóc khách hàng
Bước 5: Vận hành & cải tiến
Bắt đầu triển khai quảng bá trên các kênh & phương tiện truyền thông (nếu có thể)
Tối ưu khâu bán hàng để giảm công sức thừa
Cải tiến quy trình, dịch vụ, sản phẩm…từ những góp ý của khách hàng
Đo đạc các chỉ số và đưa ra phương án tối ưu
Mở rộng quy mô tuyển cộng tác viên bán hàng online thông qua giải pháp tiếp thị liên kết

Lời kết
Tuy bài viết này chỉ dừng ở mức rất tổng quan là tìm hiểu kinh doanh online là gì, nhưng lại là nội dung cực kỳ quan trọng làm nền tảng.

Chỉ khi hiểu rõ mục đích và lý do, hình dung nó không đáng ngại như bạn nghĩ ban đầu, Bạn mới tiến hành triển khai và phát triển mở rộng sau này.

Bước tiếp theo, Bạn sẽ quan tâm tới chọn sản phẩm gì để bán online. Chúc Bạn sẽ chọn được sản phẩm ưng ý & kinh doanh thành công!

Để lại phản hồi

Powered by themekiller.com anime4online.com animextoon.com apk4phone.com tengag.com moviekillers.com