Nguyễn Hoàng Trung, Co-founder và CEO Loship

Vòng vốn còn có sự tham gia của các quỹ đầu tư quốc tế như: MetaPlanet Holdings (Quỹ đầu tư do nhà đồng sáng lập Skype hậu thuẫn, Estonia), Wealth Well (Saudi Arabia), Prism Ventures (Singapore), SQ Capital Group (SCCG) (Hong Kong), cùng nhiều nhà đầu tư cá nhân khác.

Startup Loship trở thành một trong số ít các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam và Đông Nam Á liên tiếp huy động vốn thành công trong giai đoạn đầy thách thức của đại dịch COVID-19. Trước đó, vào tháng 2 năm 2021, Loship công bố khoản đầu tư từ nhà đồng sáng lập Skype Jaan Tallinn, thông qua Quỹ đầu tư MetaPlanet Holdings.

Startup Loship là công ty giao đồ ăn và thương mại điện tử ra đời năm 2017 với tư cách là một bộ phận dịch vụ giao hàng của startup thương mại điện tử Lozi. Hiện tại, Loship là hoạt động kinh doanh chính của Lozi.

Nguyễn Hoàng Trung, Co-founder và CEO Loship chia sẻ: “Nguồn vốn không chỉ thể hiện sự công nhận của các nhà đầu tư đối với Loship, mà còn thể hiện niềm tin của họ vào năng lực và tầm nhìn của chúng tôi. Đích đến của Loship là trở thành công ty thương mại điện tử giao hàng trong 1 giờ hàng đầu tại Việt Nam – dùng công nghệ Việt phục vụ cuộc sống của người Việt”.

Nguồn vốn mới huy động sẽ được sử dụng để tăng cường sự hiện diện và hoạt động của Loship tại 5 thị trường chính ở Việt Nam bao gồm Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Biên Hòa. Đồng thời, Loship có kế hoạch mở rộng đến nhiều tỉnh thành khác, đầu tư nâng cấp công nghệ, mở rộng hệ thống đối tác và thúc đẩy tăng trưởng mảng dịch vụ B2B. Với chuyên môn, sự đồng hành của các nhà đầu tư quốc tế cùng sự am tường thị trường bản địa, Loship sẽ tiếp tục triển khai những sáng kiến nhằm nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng, phục vụ nhu cầu giao vận hàng ngày của người dân Việt Nam.

Theo founder Nguyễn Hoàng Trung, tại Việt Nam, khái niệm khách mua hàng trực tiếp trên ứng dụng và được giao trong một giờ còn chưa được biết đến rộng rãi, tuy nhiên mô hình này đã rất phổ biến trên thế giới. Có nhiều công ty cùng lĩnh vực tại Mỹ như DoorDash, Gopuff hoặc tại châu Âu là Getir và Trung Quốc đại lục có Meituan Dianping, DingDong. Mục tiêu của Loship là khách hàng không chỉ ngồi tại nhà mua đồ ăn được giao liền, mà còn cả bó rau, con cá, mỹ phẩm hay sạc pin điện thoại.

Theo kế hoạch trong vòng 2 năm tới sẽ có khoảng 10% dân số Việt sử dụng ứng dụng Loship hàng tháng. Đồng thời, đích đến là trở thành công ty thương mại điện tử giao hàng trong một giờ hàng đầu cả nước. Còn trong ngắn hạn, startup đặt mục tiêu phủ sóng trên 10 thành phố vào cuối năm 2021.