Single Blog Title

This is a single blog caption
13 Th9

3 cú liều của chàng ‘kỹ sư’ chưa học hết lớp 9

Từng bỏ học rồi làm giáo viên dù mới tốt nghiệp cấp 2, về quê Long lại thành ‘kỹ sư’ chế tạo máy nông nghiệp.

Suốt mấy tháng nay, Nguyễn Kim Long, 30 tuổi, ở thôn Pró Kinh Tế, xã Pró, huyện Đơn Dương chạy như con thoi qua lại giữa xưởng sản xuất và cánh đồng rộng 3ha trồng cà chua, ớt cách nhà vài km. Rau củ thu được từ đó, bên cạnh việc bán cho thương lái, mục đích chính là để làm “vật thí nghiệm” các loại máy phân loại nông sản do mình chế tạo trước khi bán ra thị trường. “Năm ngoái xưởng của tôi chế tạo khoảng 30 chiếc máy bán cho bà con. Năm nay hy vọng con số này sẽ tăng lên”, Long chia sẻ.

Chứng kiến những gì chàng trai này đang làm, người dân trong thôn vẫn chưa hết ngạc nhiên, chẳng khác gì chuyện họ từng “không tin được” chuyện “thằng Long học giỏi bỗng dưng bỏ học hồi lớp 9” của 16 năm trước. Thời điểm đó, không ai biết vì sao “thằng Long” lại liều đến thế nên mấy người anh trai túa ra đi tìm khắp nơi, ròng rã cả tháng trời mới thấy em ở cách nhà 50 km, lôi mãi mới về. Bố mẹ, anh chị em rồi thầy giáo hết hơi thuyết phục nhưng cậu quyết không quay lại trường. “Mày muốn làm gì thì làm”, mẹ anh buông xuôi.

“Không phải do Long ham chơi đâu mà thích đi làm kiếm tiền. Tháng đầu, nó làm được 600.000 đồng về đưa gần hết cho mẹ để bà chi tiêu”, Lê Anh Thịnh, người bạn thân từ thuở nhỏ của Long chia sẻ.

15 tuổi, Long đi làm thuê, phiêu bạt khắp tỉnh Lâm Đồng và TP HCM. Không ai ngờ, với hai bàn tay trắng và sự quyết tâm, chàng trai này đã trở thành giám đốc tổ hợp chuyên chế tạo và cải tiến máy nông nghiệp, sản xuất nhiều loại máy tự động phân loại nông sản, gieo hạt, xay đất… bán khắp huyện Đơn Dương, cũng như đào tạo nghề cho thanh niên địa phương.

Nguyễn Kim Long (áo đen) hướng dẫn công nhân trong xưởng chế tạo máy phân loại cà chua. Ảnh: K.L
Nguyễn Kim Long (áo đen) hướng dẫn công nhân trong xưởng chế tạo máy phân loại cà chua.

Những năm đầu bỏ học kiếm tiền với suy nghĩ nông cạn, Long đi làm thuê loanh quanh gần nhà. 16 tuổi, theo bạn bè, anh xuống TP HCM làm thợ hàn tại các công trình cầu đường. Ngày hè bỏng rát khi nhiệt độ ngoài trời vượt quá 40 độ, công nhân như Long vẫn phải cháy mặt trên công trường. Vất vả, Long hối hận vì quyết định nghỉ học và nhận ra “nếu chịu đi học, sau này sẽ có nhiều lựa chọn hơn”. Để sửa chữa sai lầm, trong balo của chàng trai này không bao giờ thiếu sách báo và tài liệu để tự học.

Năm 17 tuổi, một lần về thăm nhà, phát hiện nhu cầu in ấn ở quê, Long gom góp tiền tiết kiệm mở xưởng in bao bì và mẫu mã cho các cửa hàng. Sau một năm tích góp được một khoản vốn nhỏ , anh “vay mảnh đất” của bố mẹ rồi thế chấp ngân hàng, lấy tiền mở cửa hàng bán và sửa chữa điện thoại, máy tính. Thích mày mò, Long mua thêm sách, lên Internet học thêm về sửa chữa điện tử. Vừa học vừa làm được hơn năm, nhưng tại vùng quê nghèo ngày ấy lượng người sử dụng điện thoại di động còn hạn chế nên cửa hàng cũng đành đóng cửa.

Thấy bản thân yếu kém chưa có nhiều kinh nghiệm, lần thứ hai Long khăn gói xuống TP HCM kiếm việc. Đọc được thông báo tuyển dụng giáo viên dạy nghề sửa điện thoại, máy tính của một trung tâm, anh đánh liều gửi hồ sơ dù yêu cầu phải có bằng cấp. Gặp giám đốc, cậu thanh niên Long mạnh dạn: “Tôi mới học hết lớp 9, chỉ có kinh nghiệm thực tế chứ không có bằng cấp, chứng chỉ gì. Tôi có thể chứng minh tay nghề ngay tại đây”. Sau nửa ngày ngồi thử việc, anh được nhận việc với mức lương 9 triệu đồng một tháng, mức cao nhất tại trung tâm thời điểm bấy giờ. “Cú liều” thứ hai này giúp Long trở thành giáo viên khi mới 20 tuổi.

Làm giáo viên được 2 năm, Long lại đột ngột bỏ nghề, chuyển sang làm công nhân bảo trì điện kiêm nhân viên kinh doanh tại một công ty bán máy móc công nghiệp với thu nhập lên tới 30-40 triệu mỗi tháng. Nhiều tiền khiến cuộc sống của anh quay ngoắt 180 độ, chìm đắm trong rượu chè và những cuộc vui thâu đêm. Khi công việc sa sút, chuyện tình cảm cũng ảnh hưởng, Chán nản, Long bỏ về quê sống những ngày tháng khép kín. Thời gian này, anh nhận thêm cú sốc nữa khi người cha bị đột quỵ. Trước khi mất, ông nhắn nhủ con trai: “Đừng đi lang thang nữa, ở nhà mà làm ăn”.

“Lời nói của bố là động lực để tôi quay lại làm việc và quyết trở về quê làm lập nghiệp sau này”, Long chia sẻ. Chịu tang bố xong, cuối năm 2014, lần thứ 3 Long xách balo đến TP HCM xin làm công nhân bảo trì điện. Thời gian này, anh tự học lập trình máy tính, nghiên cứu sửa chữa, vận hành các loại máy móc công nghiệp . Đầu năm 2018, khi có trong tay chút vốn cộng với kinh nghiệm tự học, Long về quê lập nghiệp. Chưa biết làm gì, anh theo xe hàng của người bạn chuyên buôn rau củ khắp tỉnh Lâm Đồng để học hỏi.

Rong ruổi 6 tháng trời, Long nhận ra sự hạn chế của máy lựa cà chua mà nhiều nông dân đang sử dụng. Máy lựa chỉ đạt độ chính xác 60%, lượng cà chua bị dập, hỏng nhiều và tiếng ồn rất lớn. Với những kiến thức về cơ khí, điện và điện tử tích lũy hơn 10 năm làm thuê ở TP HCM, Long đánh liều nhận lời chế tạo chiếc máy thế hệ mới cho gia đình người bạn.

Được đưa trước 50 triệu, chỉ bằng nửa giá trị chiếc máy, Long mở xưởng tại sân nhà, đồ nghề đi mượn, vừa làm vừa chỉnh sửa. Nhận thấy nhược điểm của máy phân loại cà chua thời điểm đó là khi chạy qua hệ thống, quả sẽ bị xoắn, gây mềm trái, vận chuyển đi xa bị dập, thối, Long khắc phục bằng việc sử dụng cao su mềm làm băng chuyền, dùng dây nhựa tạo thành hệ thống tách quả đơn, theo các khe lớn, nhỏ… Mất thêm một tháng nữa để vận hành, khắc phục nhược điểm, sản phẩm làm ra đạt độ chính xác khoảng 70%.

Sau thành công của chiếc máy đầu tiên, tháng 9/2018, Long quyết tâm dựng xưởng chế tạo nông cụ nông nghiệp, chuyên sản xuất máy nông nghiệp. Anh thuê thêm 3 thợ, 6 tháng đầu tiên nhận được 15 đơn của người dân trong tỉnh. Từ hai tháng, thời gian hoàn thiện một chiếc máy giảm xuống chỉ còn nửa tháng, độ chính xác tăng lên tới 80%. Thời điểm mới lập xưởng, hàng ngày Long làm việc từ 7h sáng cho đến 21h đêm, vừa làm vừa đào tạo thêm công nhân. Các loại máy móc của Long làm được người nông dân rất ưa chuộng. Đơn hàng liên tục đến tay, riêng năm 2019 anh phải thuê thêm 7 thợ, sản xuất 30 máy lớn nhỏ.

Nguyễn Kim Long (người thứ 2, từ bên phải) cùng những thanh niên tiên tiến tỉnh Lâm Đồng dự Đại hội thanh niên tiên tiến toàn quốc năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nguyễn Kim Long (người thứ 2, từ bên phải) cùng những thanh niên tiên tiến tỉnh Lâm Đồng dự Đại hội thanh niên tiên tiến toàn quốc năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau hơn một năm sản xuất, nhận thấy chiếc máy sử dụng cơ chế cơ khí có tuổi thọ ngắn, Long lại mày mò sản xuất máy có trang bị hệ thống điện tử, giúp phân loại được nhiều loại nông sản khác nhau theo kích thước và màu sắc thông qua hệ thống camera nhận diện tự động.

Bàn làm việc được chuyển ra giữa xưởng, khi ý tưởng mới vừa hình thành trong đầu, thay vì vẽ ra giấy hay trên máy, anh trực tiếp chế tạo, có ngày làm việc xuyên đêm. Kết quả, không chỉ cà chua mà nhiều loại trái cây khác khi đi qua chiếc máy này, máy tính sẽ nhận diện được kích cỡ, màu sắc, độ chính xác lên tới 95%.

Chị Vũ Thị Xuân Nương, bí thư đoàn xã Pró cho hay, ngoài tạo công ăn việc làm và đào tạo nghề cho thanh niên địa phương, Long còn tham gia nhiệt tình vào các công tác liên quan tới nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. “Những thanh niên quay về cống hiến cho quê hương như Long rất ít”, chị Nương chia sẻ.

Năm 2019, Long đạt giải nhất Hội thi Ý tưởng và mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ II và đại diện cho tỉnh tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến toàn quốc lần thứ VI năm 2020. Anh đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 thanh niên, lương trung bình 8 triệu mỗi tháng.

Chiều tháng 10, mưa rơi nặng hạt trên nóc nhà xưởng nhưng Long vẫn miệt mài cùng đội thợ hoàn thành những chi tiết cuối cùng của chiếc máy chuẩn bị giao cho khách. Trời bên ngoài khá lạnh nhưng trán anh đầy mồ hôi. “Có thể được làm những việc mình yêu thích đó là hạnh phúc”, Long nói.

Để lại phản hồi

Powered by themekiller.com anime4online.com animextoon.com apk4phone.com tengag.com moviekillers.com