Single Blog Title

This is a single blog caption
14 Th9

Chàng trai mở ‘cửa sổ’ cho người Churu

LÂM ĐỒNG – Rời bỏ cuộc sống thành phố, Nguyễn Văn Nhã đến Ma Bó dựng nhà, khoan giếng, mở thư viện… thực hiện kế hoạch thay đổi cuộc sống của ngôi làng người Churu này.

Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát khiến công việc kinh doanh homestay tại Đà Lạt của Nguyễn Văn Nhã, 29 tuổi, bị đình trệ. Chàng trai quyết định sang nhượng cơ sở kinh doanh, mang 600 triệu đồng lên thôn Ma Bó, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng. “Ở đây cảnh đẹp có thể làm kinh tế bằng cách khai thác du lịch, nhưng tôi cũng muốn làm gì đó để thay đổi cuộc sống của người dân, nhất là những đứa trẻ”, Nhã giải thích lý do bỏ phố về rừng.

Ma Bó không phải là cái tên xa lạ. Từ năm 2016, Nhã cùng người bạn lập nhóm phượt bằng xe đạp, kết hợp tặng sách vở, học bổng cho trẻ em ở những vùng đất họ đi qua. Mỗi năm trở lại một lần, cảnh sắc không mấy thay đổi và khi hỏi lũ trẻ con Ma Bó “Lớn lên em muốn làm nghề gì?” câu trả lời cũng không đổi “Em sẽ chăn bò”. Điều đó đã ám ảnh Nhã.

Ngôi nhà 2 tầng được dựng hoàn toàn từ gỗ của Nguyễn Văn Nhã tại thôn Ma Bó. Chàng trai này mất 4 tháng để hoàn thành ngôi nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngôi nhà gỗ 2 tầng, rộng 120 m2, của Nguyễn Văn Nhã tại thôn Ma Bó được hoàn thiện tháng 9/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tháng 4/2020, chàng trai quê Đăk Lăk mua mảnh đất bạc màu rộng 1.000 m2 nằm trên một quả đồi cao giữa thôn. Ngôi làng này nằm ven rừng, giáp ranh giữa Lâm Đồng và Ninh Thuận, có cung đường trải dài xuyên qua rừng thông bạt ngàn, những thác nước hùng vĩ.

Việc đầu tiên của anh là dựng một căn nhà gỗ vừa để ở, vừa làm thư viện, rạp chiếu phim cho những đứa trẻ trong ngôi làng 100% là người dân tộc Churu.

Để tiết kiệm chi phí, Nhã làm việc cùng thợ. Hàng ngày, chàng trai 29 tuổi vào làng tìm mua những cây gỗ cũ rồi cùng thợ kéo lên đồi cao, làm nhà. Cuối ngày, vai và hai bàn tay lúc nào cũng chi chít những vết thâm tím do vác gỗ hoặc đóng đinh trượt vào tay.

Nhà dựng gần xong, số tiền 600 triệu cũng hết. Không muốn vay mượn, anh nghĩ ra cách đổi tour lấy tiền. Nhã đăng lên trang cá nhân, giới thiệu về phong cảnh ở Ma Bó và đề nghị làm hướng dẫn cho những người muốn khám phá, nhưng người mua tour phải trả tiền trước. Nhờ nguồn thu này, căn nhà 120 m2 hoàn thành sau 4 tháng.

Tuy nhiên, khó khăn nhất không phải thiếu tiền, cũng không phải vất vả mà ý định của Nhã dân làng chẳng ai hiểu. “Họ nghĩ tôi là người Kinh, từ xuôi lên nên sợ lây Covid-19, cứ nhìn thấy tôi là lấy áo che mặt hoặc tránh xa”. Suốt mấy tháng đầu, trừ tốp thợ, chẳng ai tiếp xúc với Nhã, cũng chẳng cho thuê nhà ở tạm. Ngày ngày anh phải đi xe máy ra trung tâm huyện cách 30 km để kiếm chỗ ngủ.

Trong lúc này, bố mẹ Nhã ở Đăk Lăk cũng phản đối dữ dội việc con trai bỏ phố về rừng. “Mày có điên không con?”, bà mẹ thường xuyên gọi điện trách móc.

Nhà làm xong, Nhã chưa ở được ngay bởi không có nước sinh hoạt. Dân làng chủ yếu hứng nước mưa hoặc đi xin nơi khác. Công cuộc tìm kiếm nguồn nước cho mình và bà con bắt đầu. Chàng trai bắt đầu thăm dò nguồn nước phía trên nhà mình, nơi có những ngọn núi. Mũi khoan đầu tiên cắm xuống, nước chảy ra ít và đục ngầu, vài ngày sau là khô cạn. Không nản chí, anh thử khoan chỗ khác, lỗ khoan sâu cả trăm mét. Lần này nước chảy mạnh. Nhã dựng một hệ thống ống dẫn nước về làng, đi qua nhà dân họ lại xin dùng chung. Nhờ cái giếng mà cả làng có nước sạch để dùng, kể cả trong mùa khô.

Có nhà, có nước, việc tiếp theo của Nhã là làm kinh tế, có thu nhập cho mình. Nhớ lại cách gây vốn làm nhà, anh rủ một số người dân địa phương cùng mình tổ chức tour du lịch như trekking, bilking xuyên rừng. Với mức thù lao 1-2 triệu mỗi chuyến, lại bán thêm được đặc sản địa phương như măng rừng, nấm linh chi cho khách… cuộc sống nhiều người Ma Bó được cải thiện. Lúc này, dân làng mới trở nên gần gũi, thân thiện, khác hẳn với thời gian đầu Nhã đến nơi đây lập nghiệp.

Anh Jơr Lơng Khánh, 34 tuổi, kể trước đây chỉ ở nhà làm rẫy, thu nhập cả gia đình bốn người khoảng 50 triệu một năm nếu mùa màng bội thu. “Từ khi đi làm du lịch cùng Nhã, có tháng cao điểm tôi kiếm được 8-10 triệu đồng. Dịch đến, không có khách nữa, thỉnh thoảng tôi vào rừng kiếm măng, nấm linh chi rồi mang đến nhờ cậu ấy bán hộ”, Khánh nói.

Thư viện có tên Tủ sách Bồ Câu được Nhã tự đóng để trẻ em ở Ma Bó có không gian đọc sách và xem phim mỗi tuần. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngôi nhà nhỏ làm thư viện có tên “Tủ sách Bồ Câu” với hơn 1.000 đầu sách được Nhã tự đóng để trẻ em ở Ma Bó có không gian đọc sách và xem phim mỗi tuần. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Có thu nhập ổn định, chàng trai bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình với lũ trẻ con Ma Bó. Anh gây dựng tủ sách thiếu nhi với hơn 1.000 đầu sách đủ thể loại. Mỗi tối Nhã còn dạy học cho trẻ em trong làng và kết nối thêm bạn bè ở nhiều nơi lên Ma Bó dạy tiếng Anh, tin học, vẽ… cuối tuần còn có những buổi chiếu phim miễn phí. “Tôi muốn truyền động lực, dạy nhiều điều mới mẻ để trẻ con trong làng dám ước mơ và thực hiện ước mơ”, anh nói.

Những đứa trẻ Ma Bó cũng bắt đầu khác xưa. Chúng thích đọc sách tại thư viện thay vì lông bông ngoài đường cả ngày. Nhiều đứa từ bỏ “ước mơ chăn bò”, mong lớn lên trở thành hướng dẫn viên du lịch. Có những gia đình có con gái học hết cấp 2 đợi đủ tuổi lấy chồng, nay lại mong muốn xuống thành phố học đại học để “giống anh Nhã”. Nhìn những thay đổi đó, chàng trai 29 tuổi càng tin kế hoạch của mình tại Ma Bó sẽ trở thành hiện thực.

Ông KaSen, trưởng thôn Ma Bó cho biết, Nhã là người đầu tiên phá vỡ những thứ xưa cũ tại ngôi làng hơn 2.000 dân này. “Cậu ấy còn kết nối các nhóm tình nguyện ở thành phố lên trao học bổng cho trẻ em, tặng quà cho người già neo đơn, khó khăn ở đây”, vị trưởng thôn nói.

Bốn tháng nay, do Covid-19 bùng phát mạnh, khách không thể lên Ma Bó, mọi công việc đều gián đoạn. Giờ mỗi ngày, chàng trai tự lên rừng hái măng, hái nấm về ăn. Anh cũng trồng thêm rau, nuôi gà, nuôi vịt phục vụ nhu cầu hàng ngày. Rảnh rỗi, Nhã hướng dẫn người dân cách phơi măng khô, làm măng chua, giúp họ bán nấm linh chi rừng vào thành phố.

Nhã cũng tiếp tục xây dựng kế hoạch mới cho Ma Bó khi hết dịch, như kết nối với các nhóm thợ mây tre đan, hướng dẫn bà con trong làng, để làm gùi mây bán cho khách. “Càng nhiều người thành phố đến đây không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn làm thay đổi nếp nghĩ cho dân làng”, anh khẳng định.

“Tôi hy vọng, ngôi nhà của mình giống một chiếc cửa sổ, không chỉ mở ra cho người bên ngoài biết nơi đây đẹp như thế nào mà còn để dân làng nhìn thấy đổi thay của thế giới bên ngoài, để cố gắng và học hỏi”, Nhã nói.

Để lại phản hồi

Powered by themekiller.com anime4online.com animextoon.com apk4phone.com tengag.com moviekillers.com