Single Blog Title

This is a single blog caption
29 Th6

7 Sai Lầm Khi Khởi Nghiệp Thường Mắc Phải Cần Tránh Ngay Trước Khi Thất Bại

Vào một ngày đẹp trời, bạn ngồi cafe “chém gió” cùng với lũ bạn.
Đứa nào cũng hào hứng khoe ý tưởng về sản phẩm hay dịch vụ “chắc chắn sẽ thay đổi thế giới”, “độc nhất vô nhị” (mà đấy là bạn thân mới khoe đấy, không thì còn lâu)
Rồi cả bọn cùng nhau mơ mộng về việc trở thành ông chủ của đế chế Facebook hay Google tiếp theo…
Những ngày sau đó, ai cũng bận rộn với vô số buổi offline networking, tìm bạn khởi nghiệp, tìm đồng đội, tìm nhà đầu tư, những buổi đào tạo tràn đầy năng lượng. (Nhiều bạn thì giữ nguyên trạng thái…ấp ủ ý tưởng, ấp mãi chả chịu nở)
Nếu may mắn, cuối cùng bạn cũng lập được đội nhóm và động viên nhau cùng chiến đấu. 
Sau nhiều đêm ngày ăn nằm vật lộn với sản phẩm, trau chuốt cho nó đến hoàn hảo, cũng đến ngày hoàn thành.
Bạn bỗng chợt nhận ra, bạn không biết bán sản phẩm thế nào, công việc kinh doanh đến bờ khủng hoảng…
Đây là một “kịch bản” vô cùng phổ biến xảy ra trên thực tế.
Và nếu bạn biết về định luật 80/20 thì cũng sẽ đoán ra, 80% trường hợp thất bại chỉ nằm ở một số ít nguyên nhân.
Nếu biết các nguyên nhân cơ bản đó, chắc chắn bạn sẽ thoát khỏi 80% kia, tức là xác suất để bạn thành công sẽ cao hơn rất nhiều.
Sai lầm khi khởi nghiệp
Sai lầm 1: Nghĩ rằng ý tưởng là quan trọng nhất
Trên thực tế và thống kê xác suất, khi có một ý tưởng (dù bạn cho là mới), thì có ít nhất 100 người khác cũng có cùng ý tưởng đó. Dẫn đến là, năng lực triển khai mới là điều quyết định ai thắng.
Nếu bạn giữ ý tưởng đó cho riêng mình, lúc nào cũng ấp ủ, nhưng tới vài ba năm mà không làm gì thì ý tưởng đó mãi mãi…chỉ để ấp ủ mà thôi.
Ngày nay, bạn có thể dễ dàng kiếm cực nhiều các ý tưởng triệu đô…hoàn toàn miễn phí.
Lời khuyên :
Thường xuyên chia sẻ ý tưởng để nhận phản hồi, đặc biệt là với khách hàng tiềm năng. Đây cũng là một hoạt động đánh giá tiền khả thi đặc biệt quan trọng
Hãy yên tâm là xác suất một người có cùng năng lực hành động với bạn hoặc cao hơn lại bắt chước ý tưởng đó sẽ rất nhỏ. Ngay cả khi họ trùng ý tưởng, thì khả năng lớn sẽ là một lời đề nghị cùng hợp tác.
Sai lầm 2: Muốn làm hoành tráng ngay
Trừ khi bạn có mô hình đã được kiểm chứng thực tế với cùng điều kiện về đối tượng khách hàng, thị hiếu, sức mua, xu hướng… không thì việc đầu tư ồ ạt quy mô lớn sẽ phải đối mặt với nguy cơ rất cao là thất bại nặng nề.
Lời khuyên :
Nghĩ lớn nhưng bắt đầu từ việc nhỏ, hoặc quy mô nhỏ để kiểm chứng các giả định về nhu cầu, thị trường…
Sai lầm 3: Áp dụng câu “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhiều người” không phù hợp
Cả một tập thể hợp lực thì có thể chống được sóng gió bão tuyết…Tức là dù có chậm, cuối cùng vấn có thể cùng nhau đến đích (lý tưởng).
Nhưng muốn đi xa, mỗi cá nhân trong tập thể đó cũng cần phải đủ sức đề kháng.
Nhiều người vừa mới chỉ nảy ra ý tưởng đã đi lôi kéo mọi người tham gia, thực sự khá thiếu trách nhiệm.
Lời khuyên :
Nếu bạn là chủ nhân của ý tưởng, hãy đảm bảo ít nhất bạn đủ hiểu rõ về nó, mô hình kinh doanh, cách thức triển khai và đã phải triển khai các khảo sát nhất định trước khi tìm đối tác hay co-founder. Và với từng đối tác, bạn cần biết là họ có thể hỗ trợ được việc gì, phụ trách mảng nào và có kế hoạch triển khai tương đối cụ thể.
Sai lầm 4: Cơ chế hợp tác lỏng lẻo, không rõ ràng
Một tin rất buồn là, trong phần lớn nguyên nhân thì vấn đề giữa các co-founder với nhau lại thường là vấn đề chính.
Lý do thường gặp là:
Chúng ta có xu hướng rủ bạn bè, người thân, người chúng ta quý… để cùng khởi nghiệp. Chính vì vậy tâm lý thường cả nể
Các điều khoản hợp tác không ghi rõ ràng. Vì thời gian đầu chưa có doanh thu nên ai cũng chỉ tập trung cho việc phát triển sản phẩm mà bỏ qua cơ chế và điều khoản hợp tác
Khi có vấn đề xảy ra thì lại cố gắng nhường nhịn nhau rồi cố gắng bỏ qua…. nhưng vấn đề sẽ tích tụ cho đến khi mọi việc bung bét.
Lời khuyên :
Thực ra nhiều người chưa biết hết sức mạnh và điểm lợi của các quy định, thoả thuận….bằng văn bản. Nó giúp hạn chế rất lớn các quyết định mang tính cá nhân (thường là rất khó xử).
Bạn nên ghi rõ toàn bộ cơ chế hợp tác, các điểm mọi người quan tâm vào biên bản thoả thuận rồi cùng nhau thống nhất. Câu mất lòng trước được lòng sau chính là như này.
Dưới đây là một ví dụ thực tế mà tôi được chia sẻ:
A, B, C thân nhau cùng hợp tác kinh doanh nhưng không hề có biên bản thoả thuận. Qua trao đổi miệng thì C đảm nhận chính và dành toàn thời gian cho công việc kinh doanh này. A và B chỉ góp vốn và giao C phụ trách, đồng thời hỗ trợ mỗi khi cần. Vấn đề xảy ra khi:
Khi A hỏi C về tình hình kinh doanh, thu chi (mặc dù lâu lắm mới hỏi) thì C cảm thấy bị áp lực, cảm giác cứ như bị “tra hỏi” nên việc trao đổi giữa 3 người ngày càng trở nên vô cùng khó khăn
C làm được 2 năm thì thôi full-time vì không có lương, kinh doanh thua lỗ. C thuê người trông coi cơ sở để rút khỏi công việc kinh doanh. Cũng không có kế hoạch tiếp theo rõ ràng với cơ sở kinh doanh đã xây dựng, hay xử lý về vốn góp…
Khi kinh doanh thua lỗ, A đòi rút vốn. C không có tiền trả nên đã tránh gặp mặt
Từ 3 người bạn thân nhau, họ trở thành người lạ, đổi số máy, không liên hệ được. Kết cục thật đáng buồn…
Nếu như ngay từ đầu họ lập bản thoả thuận chi tiết, nêu yêu cầu trách nhiệm từng bên (báo cáo định kỳ, lộ trình thời gian, ai làm chính thì có lương…) và điều kiện rút vốn, thanh lý tài sản khi dừng kinh doanh…. thì đã không đến nỗi này, họ vừa mất tiền lại còn bị mất cả tình bạn.
Sai lầm 5: Không kiểm chứng sản phẩm
Có một xác suất rất lớn là bạn tự hình dung ra một sản phẩm và bạn nghĩ rằng nó thật tuyệt vời, tự tin rằng khách hàng sẽ thích nó khi ra mắt.
Bạn làm ngày làm đêm để hoàn thiện nó. Đến khi trình bày với khách hàng, tất cả những tính năng mà bạn đánh giá cao nhất thì khách hàng lại không hề quan tâm.
Bản thân tôi cũng vô cùng thấm thía bài học này.
Vào một ngày cuối năm 2011, chúng tôi là một nhóm khởi nghiệp công nghệ với 3 người, phát triển giải pháp thực đơn điện tử, một ứng dụng khá mới lúc đó.
Từ ý tưởng sơ bộ (mà cơ bản là tham khảo từ nước ngoài), chúng tôi bắt tay ngay lập tức vào việc phát triển sản phẩm. Sau gần 1 năm trời ăn nằm với sản phẩm, chúng tôi cũng tạm hoàn thành và bắt đầu đi chào hàng. Khi gặp khách hàng là chủ chuỗi nhà hàng, chúng tôi mới ngã ngửa ra là: Hoá ra những chức năng mà chúng tôi tâm đắc và mất nhiều thời gian nhất thì khách hàng lại không thực sự cần. Hướng tiếp cận của chúng tôi cũng sai khi muốn giúp nhà hàng giảm chi phí nhân viên thì họ lại…không quan tâm đến lý do đó (đối với họ, chi phí nhân viên lúc đó đã quá rẻ rồi).
Có quá nhiều bài học mà đội nhóm chúng tôi đã rút ra được từ lần thất bại đó:
Chưa làm rõ và kiểm chứng khách hàng cần giải quyết vấn đề gì
Quá sa đà vào trau chuốt sản phẩm mà đáng lẽ ra chúng tôi có thể release (và kiểm chứng) sớm hơn 6 tháng
Vì là dự án nội bộ, không có ai thúc ép nên quản lý còn lỏng lẻo, dễ bị nhượng bộ về deadline
Và rất rất nhiều nữa…
Nếu được làm lại, có thể chúng tôi sẽ chỉ làm một trang landing page và release ngay lập tức để đánh giá nhu cầu
Lời khuyên :
Chia sẻ với khách hàng tiềm năng ngay từ khi bạn có ý tưởng để đảm bảo có nhu cầu thực sự
Đừng đợi sản phẩm hoàn thiện mới ra mắt. Bạn hoàn toàn có thể launching khi chỉ có 1 vài tính năng, các tính năng mới bổ sung sau. Mục đích bạn biết sản phẩm phù hợp hay không, nhận những góp ý gì từ khách hàng để điều chỉnh. Ít nhất nếu có “chết” thì nó cũng chết luôn, để cut loss (giảm lỗ)
Đừng chỉ tự nghĩ ra tính năng, hãy kiểm chứng nó bằng thực tế
Sai lầm 6: Đánh giá thấp kinh doanh online
Cho dù bạn nghĩ rằng mảng kinh doanh của bạn là thuần offline đi nữa thì việc phát triển thương hiệu & uy tín online cũng trở nên đặc biệt quan trọng.
Nếu bạn muốn kinh doanh, bất kể offline hay online thì bạn phải hiện diện trên internet. Theo cá nhân tôi, ngày nay khởi nghiệp = khởi nghiệp online hầu như không còn cách biệt.
Lời khuyên :
Tìm hiểu kinh doanh online, bạn có thể lập 1 website để kinh doanh 
Triển khai kinh doanh online song song với offline (nếu có)
Sai lầm 7: Quá tin vào “Money in the list” (Tiền ở trong danh sách)
Nhiều bạn “ngây thơ” nghĩ rằng chỉ cần có một danh sách khách hàng “chất” là có thể bán được hàng.
Họ sẵn sàng chi tiền để mua những tệp khách hàng VIP rao nhan nhản trên mạng để spam email, “spam” telesales rồi…cầu nguyện bán được hàng.
Thực ra, câu “Money in the list” để nói về tầm quan trọng của việc tạo phễu khách hàng để có được danh sách (đây mà một chủ đề cực cực kỳ quan trọng và hữu ích mà tôi sẽ chia sẻ trong nhiều bài sau).
Và danh sách này phải đảm bảo yếu tố quan trọng nhất: Những người cho email phải biết bạn là ai.
Do vậy việc mua danh sách email đã vi phạm nguyên tắc này (chưa nói về luật pháp).
Lời khuyên :
Khuyến khích bạn tự tạo được danh sách khách hàng
Bạn cần hình dung được tổng thể & bài bản sẽ làm gì với danh sách đó
Rất nhiều người tạo được danh sách khách hàng. Sau khi gửi vài email chào hàng, họ không biết làm gì với chúng nữa.
Phần này tôi cũng sẽ có những bài viết chia sẻ sau.
Gợi ý: Để kinh doanh online thành công, bạn cần phải có một hệ thống với rất nhiều công đoạn, chiến dịch phối hợp nhịp nhàng & tự động hoá.
LỜI KẾT
Bài viết không có tham vọng đảm bảo giúp độc giả khởi nghiệp thành công (dù tôi rất rất muốn tất cả mọi người được như vậy). Nhưng chỉ cần qua “bộ lọc” này, bạn có thể loại bỏ khá nhiều yếu tố gây cản trở cho sự phát triển doanh nghiệp bởi nó đang xảy ra rất phổ biến hàng ngày.
Bạn có thể “JUST DO IT”, “LÀM TỚI ĐI” nhưng cũng nên lùi lại một chút, nhìn rộng hơn một chút, nhìn tổng quan một chút, và để ý học hỏi từ người khác. Điều đó chỉ giúp bạn đi nhanh hơn và xa hơn.

Để lại phản hồi

Powered by themekiller.com anime4online.com animextoon.com apk4phone.com tengag.com moviekillers.com